Người Việt cần tham gia nhiều hơn, có trách nhiệm hơn vào đời sống văn hóa, chính trị, xã hội ở Đức 17/11/2019 | Ông Michael Grunst, Quận trưởng Lichtenberg phát biểu khai mạc hội thảo Ngày 17/11/2019 tại „Ngôi nhà của các thế hệ“ ở Berlin đã diễn ra hội thảo về người Việt ở quận Lichtenberg với chủ đề „Chúng ta ở Lichtenberg: Ngày nay và tương lai“. Đây là một cuộc hội thảo chuyên đề về người Việt do chính quyền quận Lichtenberg, Hội người Việt Nam ở Berlin và Brandenburg cùng một số hội giúp đỡ người nước ngoài khác tổ chức với sự tham gia của đại diện nhiều hội đoàn, doanh nghiệp người Việt tại Berlin. Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Michael Grunst, quận trưởng quận Lichtenberg nêu rõ, số lượng người Việt sinh sống, làm việc và kinh doanh ở quận Lichtenberg cũng như quận Marzahn-Hellersdorf đã ngày càng gia tăng. Những người này đã làm phong phú thêm đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở những nơi này. Nhưng mục tiêu của cuộc hội thảo này là đặt ra câu hỏi, xem những người Việt sinh sống ở đây, cùng sử dụng những cơ sở hạ tầng ở đây, có coi mình là một bộ phận của cộng đồng dân cư ở đây hay không, có thực hiện các nghĩa vụ của mình và ủng hộ những dự án xã hội hay không? Hay cộng đồng người Việt ở Lichtenberg có cần thêm sự hỗ trợ của chính quyền để thực hiện các hoạt động văn hóa hay không? Tiến sĩ Nguyễn Việt Đức, Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Berlin và Brandenburg đã phát biểu chào mừng, lý giải một số lý do, vì sao mà người Việt lại tập trung đông ở quận Lichtenberg. Ông cho biết, hiện nay ở quận Lichtenberg có trên 8.600 người Việt trong tổng số trên 28.000 người Việt ở Berlin. Ông điểm lại những khó khăn ban đầu của người Việt sau khi nước Đức thống nhất, từ „công nhân lao động theo hiệp định“ đã trở thành „người nhập cư“ ra sao. Ông đánh giá cao sự đóng góp của các đời quận trưởng Lichtenberg trong việc thiết lập và duy trì quan hệ kết nghĩa với quận Hoàn Kiếm ở Hà Nội, trong việc xây dựng mối quan hệ tin cậy và giúp đỡ cộng đồng người Việt ở quận Lichtenberg để ổn định đời sống và phát triển. Bà Tamara Hentschel, Chủ tịch Hội Trống Cơm đã xúc động ôn lại những ngày tháng khó khăn, gian khổ đối với người Việt sau khi bức tường Berlin được dỡ bỏ và thời kỳ đầu sau khi nước Đức thống nhất. Khi đó, phần lớn người Việt ở Đức bị thất nghiệp, không có thu nhập ổn định và quy chế lưu trú không rõ ràng, có thể phải về nước bất cứ lúc nào. Bà đã cùng một số tổ chức giúp đỡ người nước ngoài và năm 1993 đã thành lập Hội Trống Cơm để đi vận động các chính khách, các tổ chức xã hội, tổ chức biểu tình đề đòi quyền lưu trú lâu dài cho công nhân lao động theo hiệp định người Việt ở CHDC Đức trước đây. Năm 1997, Luật ngoại kiều của Đức được sửa đổi cho phép người lao động Việt Nam có quyền lưu trú lâu dài, trong đó có sự đóng góp bền bỉ của bà Tamara Hentschel. Bà Tamara Hentschel cho biết, cuối năm nay bà sẽ nghỉ hưu, nhưng điều đó không có nghĩa là bà sẽ không làm gì cả. Bà cho rằng người Việt ở Đức nên tự mình phát huy sáng kiến để tạo điều kiện cho cuộc sống của mình được tốt đẹp hơn. Bà bày tỏ nguyện vọng là một Quỹ Xã hội sẽ được thành lập để có thể tổ chức giúp đỡ những người gặp khó khăn. Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng giám đốc Trung tâm Thương mại Đồng Xuân khẳng định, chúng ta sinh sống và kinh doanh ở Lichtenberg thì phải yêu Lichtenberg mới có thể hội nhập tốt và phát triển. Ông đề nghị thành lập Câu lạc bộ doanh nhân người Việt để có thể giúp đỡ những người Việt hay người Đức gặp khó khăn. Sau giờ ăn trưa, nhưng người tham dự hội thảo đã chia nhau tổ chức thảo luận tại các bàn theo các chủ đề: 1/ Người Việt chúng ta với tư cách là công dân của quận Lichtenberg. 2/ Tình trạng phân biệt đối xử. 3/ Kinh tế và trách nhiệm xã hội. 4/ Giữ gìn tiếng Việt, văn hóa Việt và các sinh hoạt cộng đồng. 5/ Bản sắc. Những người tham dự đã có nhiều phát biểu, thảo luận trao đổi về những kinh nghiệm và quan niệm cá nhân, đề xuất những ý kiến với mong muốn làm sao để cộng đồng người Việt ở Đức ngày càng phát triển, hội nhập tốt hơn vào xã hội Đức. Tại Hội thảo, những người tham dự cũng được xem một bộ phim tài liệu ngắn của Hội Lichtblicke e.V, phỏng vấn một số người Việt ở Lichtenberg và bà Tamara Hentschel về những trải nghiệm của họ và được thưởng thức một số tiết mục âm nhạc, nhảy hip hop của Nhóm VIETSOC và ban nhạc acoustic corner… Sau 8 hội thảo chuyên đề về người Việt trước đây, hội thảo lần này cũng là một hội thảo rất bổ ích để người Việt chúng ta ở Đức tự nhìn nhận, đánh giá lại mình. Bởi vì quyền lợi bao giờ cũng đi kèm với nghĩa vụ và trách nhiệm. Chúng ta sống ở đây, được hưởng lợi ích từ cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội… thì cũng cần tham gia nhiều hơn, có trách nhiệm hơn vào đời sống văn hóa, chính trị, xã hội ở Đức, như vậy mới là hội nhập. Văn Long Tiến sĩ Nguyễn Việt Đức, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Berlin-Brandenburg phát biểu chào mừng Nguyễn Thị Quỳnh: “Selbständig” nghĩa là “selbst” và “ständig” Trao đổi trong giờ giải lao Thảo luận về giữ gìn tiếng Việt, văn hóa Việt Bạn nên xem thêm Cuộc chiến Ukraine leo thang, với sự triển khai của quân đội Triều Tiên Cung đình ngày một loạn, võ đài đấu nhau bằng trò xé luật? Bộ trưởng Lương Tam Quang làm việc tại Bộ Nội vụ Đức: Chưa thể dẫn độ được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn Những lo ngại xung quanh hệ thống radar trên đảo Tri Tôn Ván cờ Nguyễn Phú Trọng sắp đặt, Tô Lâm hì hục gỡ! Vì sao Tô Tổng nhìn đâu cũng sợ? Sợ cả sự lì lợm của “đồng chí”! “Tiến sĩ chân vịt” Bùi Văn Cường “vuốt râu hùm”, bị Tô Đại hất văng khỏi võ đài? Trần Cẩm Tú lên ghế Thường trực Ban Bí thư, “con mồi khó nuốt” đối với Tô Lâm! Tại sao Tổng Bí thư Tô Lâm phải cảnh giác sự “trỗi dậy” của phe Nghệ Tĩnh? Quá Trình Dân Chủ Hóa Ở Hàn Quốc Và Bài Học Cho Việt Nam Tại sao Việt Nam lại duy trì bộ máy lãnh đạo với tướng lĩnh chiếm đa số, dù đang trong thời bình? Vì sao Chủ tịch nước Lương Cường sẽ phải đối mặt với nhiệm kỳ “đầy sóng gió”? Trung Quốc muốn đưa Việt Nam quay trở lại quỹ đạo kiểm soát “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” có là công cuộc “Đổi mới” lần 2 về Chính trị? Lương Cường làm Chủ tịch nước, chiếc ghế “ma ám” liệu còn linh? “Đồng sàng dị mộng” vẫn luôn là hội chứng kinh niên trong quan hệ Việt – Trung